Tìm lại dấu xưa

Thành cổ Sơn Tây

Theo Đại Nam thực lục, “Nhâm Ngọ, 1822, dời đắp thành Sơn Tây. Thành cũ ở xã Cam Giá, huyện Phúc Lộc) bị sông lở. Ngày vua (Minh Mạng) đi tuần, đã sai giám thành đi ngắm địa thế và cho dời đến hai xã Thuần Nghệ và Mai Trai. Đến nay lấy 2000 người ở các quân Bắc thành, ủy cho Phó thống thập cơ Tả quân là Vũ Văn Thân trông coi công việc”. Trong “Địa chí Hà Tây” (Sở VHTT HT, 2007, tr 237) cũng có chép lại việc này.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí (sọan đời Tự Đức, triều Nguyễn), Sơn Tây tỉnh địa chí (Phạm Xuân Độ, xuất bản 1941), thành Sơn Tây cao 5 thước (mét), chu vi hơn 1304 thước (tính đơn vị cũ 391,6 trượng). Bốn cửa theo 4 hướng Đông (Đông Môn – Cửa Tả), Tây (Tây Môn – Cửa Hữu), Bắc (Bắc Môn – Cửa Hậu), Nam (Nam Môn – Cửa Tiền). Quanh thành là hào, sâu 3 thước, dài 1795 thước, thả sen. Thời thuộc triều Nguyễn, trong thành có dinh các đường quan và kho lương. Phía tây là Giám thành, giữa là Vọng Cung, Võ miếu và Thủy tháp. Phía Đông là ngục thất, dinh quan Dự thẩm và trường học. Theo mô tả của Tiến sĩ Mai Hồng: Hai bên Hành cung có các tòa Đốc bộ đường, Bố chính, Án sát đường; mỗi tư thất lại có 2 phòng Ty thư, gồm Quân xã và Tù xã ở xung quanh, đều lợp ngói. Về sau chỉ tòa Đốc bộ là như xưa, còn hai tòa rời phía đông nam thành và lợp bằng cỏ bồng; hai phòng Ty thư và Quân xã hiện mới tân tạo, nhà lợp ngói, mỗi tòa đều có tường vây, gọi là La thành (tr 94). Phía Cửa Tiền là Vọng lâu cao 18 thước (làm năm 1822). Trước có 4 giếng của 4 quan: Tổng đốc, Án sát, Đốc học, Đề đốc; sau chỉ còn 2 giếng. Sách Sơn Tây tỉnh địa chí chép: Năm Tự Đức thứ 2 (1849) xây kè bờ hào bằng đá ong; tường thành xây vào năm Tự Đức 27 (1874); niên hiệu Kiến Phúc (1884) xây dựng lại các cửa ụ. Từ năm Minh Mệnh 14 (1833) đã cho đặt các cỗ súng: 2 súng đại luân xa bằng đồng, 4 súng sơn bằng đồng, 20 súng quả sơn bằng đồng, 24 súng hồng y bằng gang; cộng 50 cỗ và mở thêm 2 cửa thành. Theo qui định cách thức xây dựng, sách “Khâm định đại Nam hội điển sự lệ” cho biết vào năm Minh Mạng 13 (1832) quy định: sảnh đường Tổng đốc thì một tòa 3 gian 2 chái, nhà bếp một sở 2 gian 2 chái cao rộng theo dinh Thượng thư. Sảnh đường Bố chánh, Án sát 2 gian 2 chái, nhà bếp 1 gian 2 chái, cao rộng theo dịnh Tham tri sáu bộ. Phòng Phiên Niết là gộp của Bố chánh ty và Án sát ty thì 2 tòa đều 5 gian… Bên cạnh thành còn có 1 kho tiền, 1 kho thuốc súng, 1 xưởng súng (1832). Trong hệ thống thành nhà Nguyễn thì thành Sơn Tây vào loại trung, đứng thứ 19/30 (chu vi 326 trượng).

Về qui mô, thành Sơn Tây vào loại vừa, xếp thứ 19 trên 30 thành tỉnh triều Nguyễn, nhưng tỉnh Sơn Tây vẫn được xếp trong 11 tỉnh lớn (theo xếp loại tỉnh sau năm 1831: 11 tỉnh lớn, 11 tỉnh vừa, 8 tỉnh nhỏ). Chính vì Sơn Tây là tỉnh lớn mới đặt chức Tổng đốc, hai tỉnh Tuyên Quang, Hưng Hóa chỉ đặt Tuần phủ. Theo các chuyên gia nghiên cứu thành cổ, thì Thành Sơn Tây là một trong 4 tòa thành đẹp nhất Bắc Kỳ (Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định).

(trích trong cuốn Tìm lại dấu xưa, nhà nghiên cứu Đỗ Tiến Bảng,

NXB Hội Nhà văn, 2022)

(ảnh thành cổ Sơn Tây by @Admin)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *