Văn hóa Đọc

SÁCH, THƯ VIỆN VÀ VĂN HÓA ĐỌC

Sách, trong tiếng Hán là 书 籍, tức Thư tịch, theo đó, sách là những lưu giữ lại các ghi chép sự kiện, lưu lại các tác phẩm văn học,… Từ xa xưa, sách đã được coi là tài sản quý và luôn được trân trọng, được cất giữ cẩn thận. Ngày nay, sách không chỉ mang trong mình chức năng lưu giữ lại những ghi chép, mà còn có chức năng sáng tạo, định hướng cá nhân và cộng đồng.

Sách có mặt từ rất lâu cùng với lịch sử phát triển xã hội. Theo nghiên cứu từ các học giả phương Tây trong quá trình đi tìm kiếm Vùng Lưỡi Liềm Phì Nhiêu Cận Đông (The Fertile Cressent of the Near-East). Để truy tìm các di vật của nền văn minh tại vùng này, rất nhiều cuộc đào xới qui mô của các nhà khoa học ngành khảo cổ thuộc nhiều quốc tịch đã được thực hiện trong hai thế kỷ qua. Tuy nhiên, phải đợi đến cuối thế kỷ 19, do những sự tình cờ, các nhà khảo cổ đã may mắn phát giác ra những tấm đất sét phơi khô (sun-baked clay tablets) có ghi những dấu hiệu kỳ lạ. Loại chữ viết này được xác định là chữ viết đầu tiên của dân tộc Sumer, được phỏng định đã xuất hiện vào năm 3150 trước công nguyên (TCN), là mốc quan trọng đánh dấu lịch sử nhân loại. Tất cả những gì xảy ra trước năm 3150 TCN đều được coi là Thời Tiền Sử (prehistoric). Đây được coi là những cuốn sách đầu tiên của nhân loại.

Ở Việt Nam, “Khâm ban đồng bài” hay còn gọi là “Cầu Không từ ký” được cho là cuốn sách bằng đồng cổ nhất, có từ thời nhà Lê thế kỷ 15, cuốn sách bằng đồng nặng 7kg, được ghép bởi hai tấm đồng thành bốn trang sách được phát hiện ở vùng chiêm trũng Hà Nam, nơi ẩn giấu nhiều trầm tích văn hóa dân gian từ nghìn đời nay. Cuốn sách với tổng số 582 chữ Hán, hai trang ruột có 19 dòng đứng, dòng ít nhất có 1 chữ, dòng nhiều là 37 chữ, mỗi lá đồng khắc chữ Hán nổi áp lại với nhau tạo thành trang. Gáy sách được đóng bằng 4 khuyên tròn, ghi rõ ngày làm ra là 6-3 năm Hồng Đức thứ 3 (1472). Theo bản dịch của Viện Hán Nôm, “Cầu Không từ ký” là sử liệu quý ghi chép lại hành trang của vua Lê Thánh Tông…

GS. Kobayashi, Giáo sư về Văn hóa tổng hợp, ĐH Tokyo, khi nói đến vai trò của sách đối với sự phát triển của con người, cho rằng:

“Thông tin hình ảnh (visual) đi vào cảm giác rất nhanh. Não của con người quen với thông tin đó và hưởng thụ một cách rất nhanh. Ngôn ngữ chữ viết thì lại khác, không hình thành hình ảnh ngay lập tức trong não được. Não phải vận động trí tưởng tượng (imagination) để tự mình tạo ra hình ảnh. Điều này cực kỳ quan trọng. Nếu xét theo khía cạnh năng suất thì có thể nói là rất kém. Từ chữ viết cho đến hình ảnh đều có tính trễ về thời gian, và trong giai đoạn đó, não phải suy ngẫm, tưởng tượng. Đó cũng chính là lúc mà năng lực vận hành ngôn ngữ được sử dụng. Lý do lớn nhất tại sao phải là sách là ở chỗ này. Ngoài sách ra không có vật nào có thể thay thế được. Theo một nghĩa nào đó thì sách là một loại hình thông tin đại chúng chậm, lạc hậu, nhưng chính cái chậm này lại có một vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành năng lực tư duy.

Chính vì thế, nếu không đọc sách thì năng lực tư duy và tưởng tượng không bao giờ phát triển được. Và kết quả cuối cùng là não mất đi khả năng tư duy và tưởng tượng. Khi mất đi hai năng lực này thì con người sẽ trở nên yếu kém đi. Vì thế tôi mong bạn đọc cố gắng chịu đựng cái khoảng thời gian cần thiết đó. Đối với những cái chưa lý giải được bằng cảm giác thì nỗ lực để cảm nhận. Cố gắng tự mình phân tích mạch văn và lý giải những cái chưa hiểu. Tôi nghĩ là việc tự mình phân tích mạch văn là thao tác luyện tập trí lực lớn nhất”.

Sách, cho chúng ta nhìn thấy một phần cuộc đời mình trong đó, có quá khứ, hiện tại, và tương lai. Từ mỗi cá nhân, đi ra đến cộng đồng, và cả dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương vĩ đại cho tinh thần tự học, đam mê đọc. Người luôn đề cao sách và vai trò của thư viện. Người nhận định trong “Liên xô vĩ đại”, một tác phẩm Người viết vào tháng 10 năm 1957:

“Liên Xô có 392.000 thư viện với 1.300 triệu sách. To nhất là Thư viện Lênin ở Mátxcơva, với 19 triệu quyển sách bằng 160 thứ tiếng, trong số đó 2.200.000 quyển là sách nước ngoài. Mỗi ngày, hơn 5.000 người đến xem sách ở Thư viện Lênin. Các nhà máy, nông trường, cơ quan, trường học nào cũng có phòng sách. Chỉ tính ở nông thôn đã có hơn 119.000 thư viện với hơn 300 triệu quyển sách. Cố nhiên gia đình nào cũng có một tủ sách”. Người đã ngợi khen người dân Xô viết “Bởi chăm đọc sách nên mau thuận cường”.

Đó là nhận định đến từ vị lãnh tụ vĩ đại, cũng là nhận định thấu đáo về lợi ích mang lại của sách và thư viện. Đóng vai trò quan trọng trong hành trình tiếp cận sách, thư viện không chỉ là nơi lưu giữ sách, mà còn là nơi kết nối sách với con người, là nhân chứng trong hành trình của sách qua thời gian và không gian. Thư viện, được xác định là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ nhận thức, đo lường tri thức quan trọng, đang ngày càng được nâng cao vị thế, nhất là trong bối cảnh các nước có nền kinh tế đang phát triển, cần tiếp cận tri thức để đổi mới và hội nhập như Việt Nam.

“Thư viện là kho tàng chứa tất cả của cải tinh thần của loài người” (G.V.Leibniz)

“Thư viện không nên chỉ là nơi giữ sách, cũng không nên chỉ là nơi đọc sách giải trí nhẹ nhàng. Nó phải là một trung tâm nghiên cứu – sự nghiên cứu mà bất kỳ một con người có lý trí nào cũng cần phải có” (Phêđôrôp)

“Tôi bước chân vào thư viện và khép cửa lại. Như thế là tôi đã tách khỏi tính tham lam, lòng tự ái, tệ say rượu và sự lười biếng cùng tất cả những thói hư tật xấu do cái dốt nát, sự vô công rỗi nghề và cảnh sầu tư sinh ra. Tôi đắm mình vào cái vĩnh hằng giữa những tác giả tuyệt diệu với một niềm tự hào, với một cảm giác thỏa mãn đến mức cảm thấy thương hại tất cả các ông quan lớn sang trọng và giàu có nhưng không được hưởng niềm hạnh phúc này” (D. Henziut)

Sách là bạn của mọi người. Thư viện là chốn bình yên để cảm nhận tình bạn đó. Con người được sinh ra lần đầu bởi cha mẹ. Nhưng nếu cầm được cuốn sách hay trên tay, sẽ là cả một trang sách mới mở ra cho cuộc đời của chính bạn, và có thể nói rằng, khi đó bạn được SINH RA LẦN THỨ HAI.

(Doaiphuongthucac)

——————————

Tham khảo:

1. Thư viện quốc gia Việt Nam: https:///nlv.gov.vn/

2. Bảo tàng Lịch sử: https://baotanglichsu/

3. Sách về Giáo dưỡng, ĐH Tokyo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *