Tìm lại dấu xưa

Cánh diều sáo Bá Giang

“Cây đa giếng nước mái đình

Cánh diều no gió vươn mình bay cao

Sông quê như dải lụa đào

Ngân nga tiếng hát đi vào lời ru” (st)

Tôi đến làng Bá Giang vào đúng mùa lễ hội tháng Ba. Xung quanh làng, một bầu không khí sôi động hơn thường ngày diễn ra từ trong nhà ra ngõ, thấy ai cũng hối hả. Tôi hỏi thăm đình làng, nơi diễn ra sự kiện chính, lúc này, các bậc cao niên đang căng diều để treo và thu xếp bàn ghế chuẩn bị lễ hội, thấy bảo hôm nay đài truyền hình về nên công việc lại càng khẩn trương.

Câu chuyện về cánh diều di sản được chia sẻ từ bác Khiêm, nghệ nhân của làng, người đã gắn bó với cánh diều từ hồi còn thanh niên, theo cánh diều bay đến bầu trời các nước Đông Nam Á, rồi lặn lội sang trời Tây. Bác kể rằng, cánh diều sáo làng Bá (cách nói quen thuộc của dân làng) có từ thời Đinh Tiên Hoàng, cách nay trên nghìn năm. Vốn là thú chơi bình dân, không quá cầu kỳ hay kén chọn, diều sáo đã dần dần tạo nên một biểu tượng quan trọng trong lòng người dân nơi đây, để rồi đến một ngày họ chợt nhận ra: Cánh diều sáo chính là Bá Giang, về Bá Giang là về với diều sáo, một hiện tượng văn hóa độc đáo mà ngay trong thần phả của làng cũng không có ghi chép chính thức.

Bác Khiêm chia sẻ, cánh diều thì nhiều nước trên thế giới có, nhưng sáo diều thì chỉ có ở Việt Nam. Đã có nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài về đây. Có nhà nghiên cứu người Anh muốn tìm hiểu để dạy về lịch sử Đông Nam Á. Có nhà sản xuất nhạc cụ người Mỹ sau khi nghiên cứu đã nhận định rằng chỉ có tiếng sáo diều Việt Nam mới xứng để so sánh với tiếng đàn cầm trời Âu. Hay một chuyên gia người Đức sau khi nghiên cứu về sáo diều đã kết luận rằng tiếng từ sáo đôi (hai ống sáo) là hay nhất. Trùng hợp với các cụ ngày xưa, thường chơi sáo đôi và ví von như “Mẹ gọi con thưa“, sáo một và ba ít chơi hơn. Ngày này, số lượng ống sáo không giới hạn mà phụ thuộc vào người chơi diều.

Ở làng cổ Đường Lâm bây giờ, giới trẻ cũng đã quay lại với diều sáo, có thêm sáng tạo là lắp đèn nhấp nháy vào đêm, chỉ khổ các bà than trời rằng đêm không ngủ được, nhưng vẫn vui vì con trẻ có thú chơi lành mạnh lại thêm hiểu và yêu văn hóa của quê hương.

“Gió hát trăng thanh hồn non nước

Sải cánh diều bay nhạc sáo ngân

Khi thiêng tướng Cả lưu truyền thống

Anh hùng rạng rỡ sáng lòng dân”

(Bài thơ được chép trên cánh điều tham gia hội thi)

(Doaiphuongthucac)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *