Đối thoại văn chương xứ Đoài, Viết, Viết cho Đoài

Cơn mưa giữa mùa hè

“Về Sơn Tây hay ngày mưa rây rây
bãi mật cỏ thơm lác đác phố gầy
tiếng guốc gõ khô dọc thành đá cũ
chỗ bác Tản Đà uống rượu còn say…”

về sơn tây, nGÂN vỊNH

Giữa mùa hè nắng nóng gay gắt lại đổ cơn mưa lạnh. Trên những con “phố gầy”, xe qua người lại vội vã hơn, ai cũng muốn tránh cơn mưa, chỉ có các xe bán hàng dạo hàng ngày đến tầm giờ vẫn đi qua phố, vẫn không vội vàng, thậm chí còn chậm rãi hơn bởi nếu có ai đó gọi trong cơn mưa còn nghe rõ mà quay lại. Hai hình ảnh như ngược chiều nhau, ấy vậy mà “gặp nhau trên phố gầy” trở thành truyền thống của người Sơn Tây “đi chợ tại nhà”, trừ khi muốn mua gì khác mà các hàng rao không có mới phải ra chợ, hoặc vì chỗ quen ở chợ mới thường hay ra.

Cơn mưa đêm trên con phố vắng bên thành cổ

Hơi lạnh của cơn mưa mang đến sự cô đơn đến nao lòng, dễ khiến con người trở nên hoài niệm hơn. Những kỉ niệm tuổi thơ dữ dội ùa về, lũ trẻ rủ nhau tắm và đùa nghịch dưới mưa, hò nhau lội nước sau cơn mưa để tìm xem có con cá rô nào mải chơi đi lạc, rồi bày trò gấp thuyền giấy thả trôi theo dòng nước đang chảy qua nhà. Mưa còn mang đến “hạnh phúc no nê” từ đĩa khoai, sắn, hay ngô luộc thơm lừng, những chiếc bánh rán nóng hổi được người lớn trong lúc mưa rảnh mà bày ra chiêu đãi, thành ra sau này có đôi lúc ngỡ ngàng vì thoảng trong mùi của cơn mưa nào đó lại “thấy” mùi sự no nê ngày xưa.

Làng cổ trong cơn mưa giữa đêm hè

Mưa cũng là lúc người lớn mượn cảnh mà giãi bày tâm sự, tâm sự này đi qua cuộc đời ai đó đã hóa vào đại chúng, mang đầy nỗi bi ai: “Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai…”. Cái nỗi niềm của người lớn trớ trêu thay đã để lại dấu ấn khó phai mờ khi đứa trẻ lớn lên, cứ mỗi lúc nhìn ra những chiếc bong bóng ngoài trời mưa, lại cám cảnh sự đời.

Anh lên xứ Đoài xưa
Ba Vì mây trắng
Nhớ mặt em gầy sau lá mưa
Lênh đênh bến nước Trung Hà
Những chị buôn chè
Ngủ hè phố cũ
Con bò gầy đói cỏ
Đi trên đồng mê man.
..”

Không đề, Lưu Quang Vũ

Cơn mưa đi ngang qua, ta thả trôi ký ức. Chạm tay vào bức tường thành đá ong trăm tuổi, bước chân trên đám lá khô đã nâu mục, mọi thứ hiện hữu tại đây nuôi dưỡng tâm hồn ta trong âm thầm qua hơi thở của đất, qua linh hồn của núi cha sông mẹ. Một ấm trà đượm hương hoa Sói trong ngày mưa, không phải để trở thành “Người sành”, mà trở thành “Người hiểu” cái đạo truyền thống mà quê hương gửi gắm để giữ và duy trì.

(Doaiphuongthucac)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *