Tên gọi mang tầm quốc tế
Lê quang minh (báo tnvn)
có sự tích bắt nguồn từ hạt muối mặn nhỏ bé
Đó là câu chuyện lịch sử thời kỳ đầu của Đài Tiếng nói Việt Nam được nhà báo Lê Quang Minh kể lại, chuyện là có nhóm bảo vệ được cử lên địa điểm xây dựng Đài, trong đó có một bác người gốc Nghệ An, trong một lần đi vào khu dân cư vay dân ít muối ăn, vì muối thời kỳ đó khan hiếm, phải có tem phiếu mới mua được. Dân Lễ Khê thấy có ông già ra vay muối liền hỏi đến từ đâu, bí quá vì không được tiết lộ tên công trình bí mật, bác liền nói là ở Đài phát thanh Đông Dương, ấy vậy mà thành tên trong dân từ ấy.

Sau khi đế quốc Mỹ ném bom phá hoại đài Mễ Trì, Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lúc đó chủ trương xây dựng đài phát thanh mới đáp ứng tuyên truyền đối nội và đối ngoại. Được sự giúp đỡ của Liên bang Liên Xô thời bấy giờ, tháng 2 năm 1973, công trình xây dựng Đài phát thanh lớn nhất và hiện đại nhất nước ta thời kỳ đó được hai nhà nước chính thức ký kết xây dựng, gọi là “Công trình 273′.
Địa điểm khảo sát đặt công trình tại thôn Lễ Khê, xã Xuân Sơn, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Sơn Bình, nay thuộc TP. Hà Nội. Đây là địa điểm lý tưởng xây dựng đài phát sóng, vị trí này cách Hà Nội 40km, độ cao 60m so với mực nước biển, cạnh hồ Suối Hai nơi có nguồn cung cấp nước ổn định cho nhà máy, dân cư thưa thớt nên giảm sức ảnh hưởng của trường điện từ. Nằm trong vùng có nhiều căn cứ quân sự nên thuận tiện đảm bảo an ninh.
Sau 4 năm xây dựng, ngày 14 tháng 05 năm 1980, “Công trình 273” được khánh thành mang tên Đài Phát sóng Phát thanh VN1. Trải qua thời gian dài thực hiện phát sóng đối nội, đối ngoại, ngày 29 tháng 08 năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ấn nút phát lệnh đưa tổ máy phát sóng ra biển Đông chính thức đi vào hoạt động. Đến tháng 02 năm 2018, Đài phát sóng Phát thanh VN1 được đổi tên là “Đài phát sóng đối ngoại”. Còn người dân Lễ Khê đến hiện nay quen gọi là “Đài phát sóng biển Đông”.



Cách cơ quan nhà Đài không xa là khu tập thể của nhân viên, cán bộ, công an, an ninh làm nhiệm vụ tại Đài. Những khu tập thể có kiến trúc điển hình của thời kỳ từ những năm 1970s, 1980s đã đi qua thời kỳ vàng son, đón không biết bao nhiêu lớp cán bộ đến rồi đi, để lại những câu chuyện mà có lẽ cũng đã trở thành huyền thoại vang bóng một thời.
Lịch sử đã lưu dấu nơi đây thời kỳ người người vừa chiến đấu, vừa hăng say sản xuất trong giai đoạn đất nước quyết tâm vươn mình đi lên từ khó khăn. Con đường truyền thông, đối ngoại thông tin không ngừng trải dài, nối tiếp những chặng đường lịch sử tiếp theo. Trong Kỷ nguyên vươn mình, con đường này lại càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
(hình ảnh, biên tập bởi Doaiphuongthucac, tư liệu được tham khảo từ trang thông tin Đài Tiếng nói Việt Nam, http://vov.vn/, http://kythuatvov.vn/)