Phong văn

Đường Lâm trong ca dao, tục ngữ #1

Về Đường Lâm, du khách sau khi tham quan một vòng quanh các làng, đến lúc muốn nghỉ một chút thì dừng chân bên quán nước ven đường, ngồi xuống cạnh chiếc chõng che, bà chủ quán cười tươi rói, tay rót chén trà xanh mời khách. Hương thơm, vị ngọt từ chén trà, cùng câu chuyện làng của bà chủ quán khiến người khách lạ mãi không muốn dời đi.

Không phải ở đâu cũng uống chén trà ngon như ở Đường Lâm. Ở đây, do quá trình thành tạo đá ong – quá trình Laterit diễn ra mạnh mẽ, nguồn nước ngầm trong lòng đất sau khi được lọc qua các vỉa đá ong trở nên tinh khiết, có thể uống ngay mà không cần đun nấu, vị nước ngọt tự nhiên, là món quà thiên nhiên vô giá dành tặng cho vùng.

Từ trung tâm làng, đi về phía đền Phùng Hưng và lăng Ngô Quyền, là khu vực xã Cam Lâm, nơi có tiếng về giống cây chè khi nấu nước xanh và thơm, không bị đỏ nhanh như nhiều loại chè xanh được trồng ở nơi khác.

Ngoài giếng xóm Hè, xung quanh khu vực Đường Lâm còn các giếng cổ khác có nhiều giá trị về tự nhiên, lịch sử, văn hóa. Cây chè cũng được trồng trong các xóm khác nhau. Câu chuyện “nước giếng Hè, chè Cam Lâm” không chỉ thể hiện sự tinh tế của người xưa trong văn hóa ẩm, đó còn là triết lý về đạo dưỡng sinh gửi gắm đến người đời sau, để biết, hiểu, vận dụng hòa hợp với cuộc sống của mình.

(Doaiphuongthucac)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *