Muốn “Ăn ốc trông trăng”
thì phải mò ốc cùng Mặt Trời
“…Rượu, trăng và ốc, tôi đã được thưởng thức nhiều cách khác nhau… Nhưng tôi vẫn không sao quên được một cách ăn rất Tản Đà…“
(Thế Mạc)

(Mò ốc trên cánh đồng trũng Vĩnh Tường)
Sắp đến ngày Rằm, bảo sao cứ nghĩ đến ốc!
Trong tác phẩm “Thương nhớ Mười Hai”, nhà văn Vũ Bằng tả lại niềm nhớ ốc (tháng Tám): “nửa đêm thả một lá thuyền con đi mua rượu sen Tây Hồ về uống… ăn mấy con ốc nhồi thịt thăn, miến, mộc nhĩ hấp với lá gừng trông trăng…“. Nhà văn đã mượn “cái niềm này” để nhớ lại “niềm xưa”, đó là nhớ đến người vợ của mình.
Đến tầm tháng Mười lại nhớ câu: “Ốc tháng Mười, người Hà Nội” (st)
Ốc vào mùa thu đã ngon (như ốc tháng Tám của nhà văn Vũ Bằng), mà cuối thu mới là ngon nhất, chẳng khác nào người Hà Nội thì cái chất nó riêng, được kết tinh bởi tinh hoa chốn kinh thành.
Tháng Mười cũng là thời gian những đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên thổi về, khi cái chớm lạnh đến, chẳng ai bảo ai lại nhớ đến bát ốc luộc chấm nước mắm pha gừng, tỏi, ớt, xả, điểm lá chanh, nỗi nhớ có khi da diết vô cùng, chả vậy mà có người đương nửa đêm còn nhất định ra đường để đi tìm hương vị ốc cho thỏa.
Thỏa vị ốc rồi mới thư thả nghe chuyện ốc của cụ Tản Đà, xem cách cụ ăn ốc ra làm sao mà nhà văn Thế Mạc nhớ không thể quên mà hầu chuyện như vậy. Cụ Tản Đà ăn ốc là cả một nghệ thuật vượt lên trên cái văn hóa ăn ốc đơn thuần: ốc sau khi ngâm nước gạo phải lấy khăn lau khẽ từng con, chuẩn bị cả những vỏ sò rửa sạch lau khô, hỏa thực (lò nướng) đỏ rực than, liễn mỡ, đĩa hành hoa, bình rượu hồng, ngâm khởi tử, bộ chén bạch định hạt mít. Đã ăn ốc là ăn vào ngày gió thu se lạnh, hiu hiu, trăng chênh chếch trên ngọn Ba Vì. Khi vào tiệc, bốn vỏ sò đặt trong hỏa thực, đốt nóng lên, lấy bốn con ốc sang đĩa bên cạnh. Múc mỡ trong liễn đổ lần lượt vào trong vỏ sò. Khi mỡ trong vỏ sò vừa sôi lên thì phi vào mấy nhánh hành hoa, lúc này gắp ốc từ đĩa vào vỏ sò. Sau mỗi ngụm rượu là cầm vỏ sò mà trút cả ốc kèm hành mỡ vào miêng cùng với mấy cái lá mùi thơm, rồi cứ thế mà ngắm trăng.
Nghệ đến vậy nên nhà văn, nhà báo Phan Khôi từng nói rằng: “Cái lối đánh chén của ông Hiếu kề cà mất thì giờ lắm, tôi không chịu được, nên ít khi tôi ngồi trọn bữa rượu với ông. Ông đem hỏa lò để ở bàn mà tự làm lấy món ăn, có khi mãn một tiệc ăn người nhà phải thay than trong hỏa lò đến năm sáu bận. Thường thường một mình ông vừa ăn uống lại vừa viết nữa. Ông cho có thế mới là thú”
Mà có Nghệ mới có cái chất “Văn chương Nghệ”, để rồi nhà phê bình Hoài Thanh – Hoài Chân thốt lên: “Trên hội Tao đàn, chỉ tiên sinh là người của hai thế kỉ“.
Nói đến đây mới bàn thêm, liệu có phải vì hiểu “ăn ốc trông trăng” rất Nghệ: “Cái giây phút ta thưởng thức thì chỉ trong thoáng chốc. Cái gian nan tìm tòi thì vô tận“, cụ Tản Đà mới chắt lọc ra cái tinh túy văn chương như ý nghĩa từ câu nói đó của cụ hay không! Vậy thì để hiểu Tản Đà, không phải ai cũng hiểu là điều rõ ràng, mà tìm được người hiểu thì cái người đó cũng phải mang chất Nghệ và cũng cần những “Cái gian nan tìm tòi thì vô tận“!
Bàn chuyện văn nhân với món ốc mà cả đêm không bàn hết. Thiên nhiên lựa chuyện mà khéo chiều người, đêm Rằm ngồi vọng trăng lại cứ ngỡ con ốc núi tròn xoe, thôi thì xưa có cụ Tản Đà, ông Vũ Bằng đều là các cao nhân, nay chỉ dám đem cái chuyện của các cụ giắt vào túi rồi hẹn bạn cứ đến mười Rằm là rủ nhau thưởng ốc trông trăng, kể lại chuyện mang theo kẻo lỡ mất thiện ý mà tự nhiên ban tặng.
(Doaiphuongthucac)