Đọc

MỸ HỌC CỦA NGUYỄN DU

“Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh”

Như mộng mà thực, như kể chuyện người mà chẳng khác nào giãi bày tâm tư, cụ Tố Như sau một hồi “Kim Vân Kiều”, đã để lại nhân gian cái tinh khí “Đẹp”, GS. Lê Ngọc Trà đã cảm thán mà “mài mực xuất bút” bàn về Mỹ học của Nguyễn Du.

Trước khi “xem” GS. Lê Ngọc Trà “đặt bút”, nên chăng, chạm một chút vào Mỹ học Trung Hoa (TH). Theo GS. Diệp Lang (ĐH Bắc Kinh), mỹ học Trung Quốc vừa “hư” vừa “thực”: mặt Thực sát gần cuộc sống, mặt Hư là cõi “Thần du” được tạo ra bởi tài năng của nghệ sỹ. Một tác phẩm bám sát quá đời sống thì đó là tác phẩm sao chép (!?). Ngược lại, nó tưởng tượng hư ảo nhiều dễ trở thành bịa đặt. Mỹ học TH phải kết hợp hai mặt trên mới coi là tác-phẩm-xứng-đáng. Mỹ học TH không giới hạn ở việc nghiên cứu cái đẹp, cái “mỹ”, đối tượng của nghiên cứu mỹ học là bản chất, đặc điểm, quy luật của hoạt động thẩm mỹ nhân loại. Khoa học mỹ học cổ điển TH lấy “ý tượng” thẩm mỹ làm trung tâm, bao hàm nội dung nhiều phương diện. “Mỹ” không là phạm trù trung tâm, cũng không phải phạm trù cao nhất, biểu hiện ở một loạt phạm trù: đạo, khí, tượng, ý, vị, diệu, thần, phú, tỷ…

Nhật Bản, nơi nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của chữ “Nghệ”, thì sao? GS. Onishi Yoshinori nhận định: “Cái đẹp nghệ thuật đi trước tác phẩm nghệ thuật nên ý nghĩa nguyên sơ của nghệ thuật là sự kéo dài của cái đẹp nghệ thuật có trong tự nhiên”

Trở lại với quan điểm Mỹ học của Nguyễn Du từ GS. Lê Ngọc Trà, Mỹ học của Nguyễn Du “phải được hiểu theo nghĩa rộng, gồm toàn bộ ý thức thẩm mỹ và quan niệm thẩm mỹ toát ra từ tác phẩm, tức là từ hình tượng, bức tranh thiên nhiên cũng như những lời trữ tình ngoại đề của người kể chuyện”, gắn liền với quan niệm và ý thức thẩm mỹ của tác giả. Từ đó, tìm ra gốc rễ để cái “Đẹp” nở hoa trên “thần bút” của Nguyễn Du:

1). Cảm xúc thẩm mỹ: Nguyễn Du là người yêu thiết tha cái Đẹp, nhạy cảm với cái đẹp từ thiên nhiên, từ nhân gian phù hoa. Bản thân ông cũng trải qua những khó khăn để cảm nhận sâu sắc hơn những cái Đẹp nhỏ bé, phù du… nào khác gì với cảm xúc nghệ thuật của Nhật Bản!

2). Cái đẹp như một thuộc tính khách quan, cũng có khả năng gợi lên cảm xúc thẩm mỹ: đó là một nàng Kiều đẹp, dù mọi hoàn cảnh bi thương, đẹp về “Dung, Ngôn, Hạnh”, giống như Mỹ học Trung Hoa, cái đẹp thể hiện qua phạm trù: đạo, khí, tượng, ý, vị, diệu, thần, phú, tỷ… GS. Lê Ngọc Trà khẳng định “cái đẹp là sự hoàn thiện” trong mỹ học của Nguyễn Du. Cái đẹp gắn liền với Tâm, Thiện

3). Cái đẹp là nguồn gốc của bất hạnh:

“Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần”

Nguyễn Du luôn băn khoăn về điều này, rồi ông lại trở lại với “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Con người ông, luôn trăn trở về cái Đẹp, đưa tâm tư cái Đẹp là nguồn gốc Bất hạnh vào thi phẩm của mình, nhưng rồi lại tự an ủi tâm tư đó. Có lẽ, trong những nghịch cảnh cuộc đời, trước “con tạo xoay vần”, những câu thơ chứa đựng trăn trở chốn nhân gian, nhưng ông vẫn luôn gửi gắm ước mong của mình trong đó.

4). Tư tưởng thẩm mỹ liên hệ chặt chẽ với ý thức thẩm mỹ truyền thống và thời đại: Nguyễn Du đã kế thừa cái đẹp trong văn chương Cổ, trung đại. Nhưng, ông đã mang đến một quản điểm về cái đẹp khác. Đó là cái đẹp tự nhiên, nằm bên ngoài những giáo pháp, gia phong đương thời. Nhiều học giả phản bác giá trị thẩm mỹ của Truyện Kiều, họ coi chứa đựng sự phóng đãng, báo thù cá nhân…. Nhưng, như đã đề cập từ trước, cái thẩm mỹ của một tác phẩm, phải phụ thuộc vào tác giả và hoàn cảnh sáng tác. Có những tác phẩm mà câu chữ “ý tại ngôn tại”, nhưng với những tác phẩm này, đó là “ý tại ngôn ngoại”, đâu chỉ dùng câu chữ để phán đoán ở đây!

5). Bi cảm trong cảm xúc thẩm mỹ: theo GS. Lê Ngọc Trà, đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ta thấy ông là “người rất hay buồn”. Nỗi bi cảm này khiến ông rất nhạy cảm với sự dịch chuyển của thiên nhiên, con người, mọi thứ với ông rất mong manh, sẽ qua đi:, vinh hoa phú quý chỉ là phù du mà thôi. Như Xuân Diệu nhận xét “Một mình và riêng, Nguyễn Du rất hay dùng hai chữ ấy” trong Truyện Kiều: Một mình lặng ngắm bóng nga, Bâng khuâng như tỉnh như say một mình, Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình,…

6). Mỹ học hiện thực, sáng tác theo “những điều trông thấy”:

“Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Vẫn nhớ cách đây cũng lâu, khi đọc về Nguyễn Du trong một tác phẩm thi ca và tác giả, Nguyễn Du luôn “sống trong dân gian”, thu lượm phong dao, tục ngữ, những cảnh đời… vào “túi thơ” của mình. Chắc chắn, sức sống của Truyện Kiều, chính là tính chân thực qua “những điều trông thấy”, ở đâu, lứa tuổi nào, ta cũng bắt gặp mình, bắt gặp chuyện mình, chuyện đời trong đó, thời đại Nguyễn Du, hay đến nay đã mấy trăm năm, mỗi ai khi đọc lên đều thấy đúng với mình, với người, với thời đại. Thật là tài tình!

7). Sáng tạo nghệ thuật: nội dung này, nên để cho các chuyên gia bàn đến. Với người đại chúng, sự sáng tạo chính là ở chỗ ta đọc Nguyễn Du lên, thấy đúng là Nguyễn Du, mà không ai khác, cho dù khi đặt cùng các tác gia đồng đại.

(Doaiphuongthucac)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *