Ngày còn bé, cứ tầm 9-10h đêm sau khi công việc buôn bán đã dọn xong, mẹ lại rủ tôi sang bên kia đường ăn cháo gà. Quán bán cháo vào buổi tối, buổi sáng bán bún ngan, được mệnh danh là quán ngon nức tiếng khu phố Chùa Thông những năm 90s.
Lớn lên, đi học xa nhà, gia đình cũng không còn ở khu phố cũ, có nhớ bát cháo đêm thì cũng chỉ nhớ trong tưởng tượng. Về sau, có dịp đi ngang qua ghé vào ăn, những tưởng sung sướng được thưởng thức lại hương vị quen thuộc vẫn hằng nhớ nhung, thì lại thay bằng một nỗi thất vọng tràn trề trước bát cháo nồng nàn mùi hạt nêm. Thời kỳ hạt nêm bắt đầu có mặt trên thị trường, các gia đình, quán ăn đổ xô đi mua dùng vì hạt nêm tạo độ ngon, ngọt giả cho món ăn nhưng người ăn lại rất thích, người bán hàng cũng tiết kiệm kha khá chi phí nguyên liệu. Thế là họ sẵn sàng đánh đổi hương vị truyền thống bằng hương vị công nghiệp. Tiếp đến là câu chuyện kinh doanh cho người làm nghề loay hoay trong câu chuyện cạnh tranh khách hàng mà làm giảm đi chất lượng và hương vị vốn có. Người ta vẫn bảo, kinh tế thị trường là vậy, khôn khéo thì được, thật thà quá lại thua, tôi không đồng tình mà vẫn tin rằng, còn đâu đó những người không vì thời cuộc mà chấp nhận đánh đổi truyền thống.
Vì sự bận tâm này, có lần tôi bảo cô tôi rằng, cháu thèm bát cháo gà vị xưa mà giờ tìm khó quá. Cô cười bảo, cứ ra phố Ngô Quyền mà ăn. Và, tôi đã không bị thất vọng.
Đó là quán cháo gà nằm trên phố Ngô Quyền, con phố cổ của thị xã. Quán chỉ bán gà luộc và cháo gà. Thực khách đến cũng biết ý chủ quán, đó là không mang rượu đến, cũng không ngồi tám chuyện quá lâu, vì còn nhường chỗ cho người khác vào ăn. Có lúc gọi bát cháo gà, vừa cúi xuống ăn đến khi ngẩng lên, bà chủ quán đã báo hết cháo, mấy vị đến muộn thấy rầu lòng mà quay về. Quán mở buổi tối từ 6h đến hơn 7h đã hết hàng nên mọi người thường căn giờ đến cùng một lúc vì sợ nhất là đến lượt mình lại mang cặp lồng không về.
Quán có đặc trưng, gà dùng kéo để cắt chứ không dùng dao chặt; cháo được nấu bằng nước ninh xương lợn và nước luộc gà, hạt gạo vỡ bằng giã tay chứ không phải xay, nên bát cháo sánh, ngọt. Tôi đã từng về làm theo mà không thành công, ra quán gặp nhiều khách đến mua cháo bảo, con cháu ở nhà nhất định chỉ ăn cháo ở đây thôi, mua nhà khác về là không ăn. Có bạn vừa ăn cháo vừa nói vui, quán cháo này phục vụ đến mấy thế hệ, từ bố mẹ, con, giờ đến cháu.
Tôi vẫn hay ghé vào quán mỗi khi đi làm về tối, dù không thuận đường nhưng vẫn sẵn sàng vòng ngược lại mấy kilomet, đôi khi không rõ vì thèm bát cháo gà, hay vì ở đó có truyền thống mà tôi muốn tìm kiếm. Truyền thống của tôi đơn giản lắm, ăn bát cháo vị quen thuộc, ngồi cùng mấy ông bà hàng xóm vẫn hay đợi lúc quán vãn khách sang ngồi chơi, nghe các cụ bắt đầu “chuyện ở thị xã mình”, thấy vui vui trong lòng. Bầu không khí này, không rõ từ bát cháo nóng tỏa ra, hay từ những người muốn giữ “bát cháo quê hương” mà giữ được cả một góc không gian sinh hoạt truyền thống ngay giữa thị thành đang ngày một hiện đại hóa này.
– Bà còn cháo không, bán cho cháu một bát.
– Hết rồi, còn ở đây là người ta đặt đấy!
Dáng người cùng chiếc áo mưa mờ dần trên phố, dù có đến nhiều lần mà về tay không thì họ vẫn quay lại.
Đêm mưa phố cổ, khói bay lên từ nồi cháo đang sôi hòa cùng bụi mưa, quán cháo như vừa ẩn lại vừa hiện bên cạnh gốc cây hoa Sữa già đang đợi mùa đơm hoa.
(Doaiphuongthucac)