Ai đã đến làng Hương Ngải, thì chắc chắn đi qua quán Nghinh Hương. Theo tài liệu, không rõ tuổi chính xác, nhưng biết được lần trùng tu đầu tiên của quán là vào năm 1034, đây được xem là độc nhất vô nhị về đặc trưng kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ. Quán là nơi đón thần linh về làng, cũng là nơi dùi mài kinh sử, tiễn sĩ tử lên kinh, và nghênh đón tân khoa trở về. Đi qua quán Nghinh Hương, vào sâu trong làng gặp một nơi, người dân gọi là đền, nhưng có tên là Quán làng Hương Ngải, theo thần phả thì được xây dựng vào khoảng thế kỷ II sau công nguyên, thờ tam vị Đại vương họ Chu.
Nếu ai đến đây, sẽ thấy ngôi làng có những con đường nhỏ, ngõ nhỏ, nhà nào còn giữ kiểu truyền thống cũng đều nhỏ và thấp, cảm giác rất giống khi đi vào một ngôi làng người Cham. Có một số điểm cần xem xét đối với người muốn nghiên cứu sâu về lịch sử nơi đây:
1). Trước đây làng có 4 thôn, gọi là Nậu (Nậu Thượng, Nậu Hạ, Nậu Trung, Nậu Tư). Từ Nậu này được dùng chủ yếu ở miền Trung.
2). Theo đánh giá trong giới, Thạch Thất nổi tiếng về đồ gỗ, nhưng thợ làm đồ gỗ truyền thống thì Hương Ngải là số một.
3). Đường vào làng, đến nay vẫn như kiểu ngày xưa, rất hẹp
Những chữ như Nậu, nghề gỗ, hay sự phân khu tách biệt với dân địa phương xung quanh, là góp thêm cơ sở tìm kiếm những dấu vết người Cham xưa để lại nơi này, cũng làm dày thêm những câu chuyện lịch sử địa phương.
(Doaiphuongthucac)