“Hiểu tức là yêu; yêu tức là hiểu. Cả hai tiếng đều trợ lực cho nhau, nên cần phải biết kết hợp với một bàn tay mãnh mẽ và khéo léo”
(Hippolyte L.B., Về vấn đề giáo dục người An Nam)
“Về vấn đề này, tôi xin có mấy lời khuyên đối với các sinh viên An Nam của các trường Đại học ở Hà Nội và ở Pháp. Và trước hết, tôi xin mượn của ông Đào Đăng Vỹ một vài ý nghĩ rất phải chăng:
“Tôi lấy làm lạ rằng, những sinh viên An Nam ở Pháp, khi phải trình bày luận án Tiến sĩ, lại đi nghiên cứu những chuyện ở nước Pháp hơn là chuyện của Đông Dương. Tuồng như là ở Pháp người ta đang cần họ để làm cho người ta thấy rõ bộ mặt của nước Pháp. Tuồng như là ở Pháp không có nhà văn nào đủ tài ba để nói về nước họ, và như là Đông Dương không xứng đáng để họ chú ý tới. Riêng tôi nghĩ rằng, một trong những nghĩa vụ của thanh niên trí thức ta là không những tìm hiểu để biết nước Pháp và người Pháp, mà còn phải tìm cách làm cho người Pháp biết Đông Dương và hiểu biết chúng ta. Cái đó sẽ giúp cho sự hợp tác mà người ta nói đến rất nhiều, nhưng không phải khi nào cũng được thực hiện một cách mỹ mãn trong thực tế”.
Đến lượt tôi, tôi sẽ nói với những người bạn An Nam trẻ của tôi là: “Đất nước của các anh là một kho vô tận, là những luận án vừa phong phú vừa thú vị. Nước Đại Việt cần được con em mình hiểu biết sâu hơn, hiểu biết về tất cả mọi lĩnh vực, tất cả, nghĩa là cả văn học, triết học, khoa học và sử học. Hãy nên nuôi cái chí phục vụ cho sự nghiệp đó…”
Cái gọi là sự tiến bộ chỉ là truyền thống đang đi lên. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp, con người sẽ bị lôi cuốn theo bản năng xấu. Nước Đại Việt giàu về quá khứ, và các bạn nên hiểu rằng chính người chết cai trị người sống. Những đức tính tốt mà chúng ta có, chúng ta nhờ cha mẹ ông bà mà có. Hãy kính thờ vong linh tổ tiên bằng cách phổ biến lịch sử của tổ tiên”
(trích Dẫn nhập)
(Doaiphuongthucac)