Tác giả Robert Neil Macgregor (sinh năm 1946), là một sử gia nghệ thuật, nguyên giám đốc Bảo tàng Anh (2003 – 2009). Là một sử gia nghệ thuật nên sự sắp đặt cuốn sách theo đúng tiến trình lịch sử của nhân loại, tác giả đã du hành ngược thời gian, dõi theo hành trình nhân loại nhưng KHÔNG THAM GIA vào các sự kiện như-nó-đang-diễn-ra lúc bấy giờ, mà là NGƯỜI QUAN SÁT VÀ SƯU TẦM hậu-sự-kiện để “nhìn nhận cách loài người định hình thế giới cũng như bị chính nó định hình” (Tg).
Giống như sách và thư viện, ở đây là hiện vật và bảo tàng, ta có văn hóa đọc sách, thì ở đây có “văn hóa đọc hiện vật”. Điểm khác nhau rõ nhất không nằm ở bản chất sách với hiện vật, thư viện với bảo tàng, hay mối quan hệ giữa chúng, mà nằm ở tính DUY NHẤT. Sách, có thể được viết lại, được tái bản; hiện vật thì không, đó là ĐỘC BẢN. Như tác giả đã nhận định ngay trong Lời mở đầu, đây là “Nhiệm vụ bất khả thi”, chỉ bằng câu chuyện hiện vật – thứ vốn đã hiếm hoi để gọi là đại diện cho một lịch sử nào đó, nhưng với tinh thần “Kể lại lịch sử thông qua hiện vật là mục đích của bảo tàng”, đồng thời với kho hiện vật khổng lồ được sưu tầm qua hàng trăm năm của Bảo tàng Anh, thì tác giả đã sẵn sàng dấn thân và cảm khái “đây là điểm xuất phát không tồi”. Cuốn sách còn chứa đựng một sứ mệnh nữa, đó là dạy ta về “Văn hóa đọc hiện vật”, nếu mỗi nơi xây dựng cho mình một thư viện địa phương, thì cũng nên có một bảo tàng địa phương. Thư viện mở ra cho ta “những chân trời mới” thì bảo tàng sẽ giúp ta học được “văn hóa đọc hiện vật” để “hiểu về quá khứ”. Chỉ có hiểu quá khứ, mới hướng đến tương lai tốt hơn.
Về cách thức truyền tải, là tập hợp những câu chuyện về hiện vật được trình bày trên đài phát thành, do vậy thật dễ dàng để bắt sóng, cũng là cách giám tuyển hiện vật hiệu quả khi câu chuyện tiếp cận đến các chuyên gia, nhà sưu tầm kì cựu trên thế giới, cũng như khơi gợi được sự tò mò vốn có của con người, để rồi nếu “bắt được đúng nhịp”, ta sẽ có những vị khách tiềm năng của bảo tàng, xa hơn là giáo dục lịch sử sẽ có công cụ hỗ trợ hiệu quả.
Về nội dung, với 100 hiện vật được chia theo nhóm, cứ 5 hiện vật được chọn mang tính đại diện nhất cho mỗi chặng lịch sử, tương ứng với các Phần trong cuốn sách. Hiện vật đầu tiên được chọn là xác ướp Hornedjitef, là một vị tư tế Ai Cập cấp cao ra đời khoảng năm 240 TCN. Vốn sắp xếp theo tiến trình lịch sử, nhưng ngay từ hiện vật đầu tiên, tác giả lại chọn một xác ướp Ai Cập, thời điểm mà văn mình Ai Cập đạt rực rỡ, chứ không phải công cụ đánh dấu khi con người bắt đầu văn minh loài người. Tôi cho rằng cách tiếp cận này thực sự độc đáo, bởi hiện vật này gắn với thuở bé của tác giả, ngay khi bước chân vào bảo tàng, đứa bé tám tuổi đó đã bước ngay đến những xác ướp. Giống như một câu chuyện bắt đầu từ hồi tưởng, và lịch sử thế giới cũng vậy. Sự hồi tưởng khi còn bé thơ vốn rất trong sáng và đầy tò mò. Có lẽ, tác giả cũng đã có dụng ý này đến người đọc công trình của ông.
(DuongThuTrang)