Nhất cao là núi Ba Vì
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn


Nhất cao là núi Ba Vì
Nhất lịch, nhất sắc, kinh kỳ Thăng Long



Người xưa cũng thật khéo khi so độ cao, so cái chất con người, là cứ “nhất” thì đem cả núi Ba Vì ra mà so. Hay:
Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì
Cũng là nắng, đâu chẳng có, nhưng cái nắng Sơn Tây thì gay gắt lắm, chả vậy mà người từ miền Trung, miền Nam gặp cái nắng nóng trên đất Sơn Tây cũng phải ngả mũ chào. Mây thì thôi rồi, ắt cũng bởi độ cao cùng với vị trí nên mây cứ quanh quẩn quanh núi khiến con người cứ ngỡ vì mây lưu luyến núi quá mà không đành rời đi.
Rồi người xưa lại mang cả núi Ba Vì ra để hầu chuyện tình cảm lứa đôi bên chõng tre với ấm trà xanh đầu hồi vào mùa hạ:
1. Em nay buôn chỉ bán tơ
Buôn ngọn sông Bờ, bán ngọn sông Thao
Nước sông Thao biết bao giờ cạn?
Núi Ba Vì biết vạn nào cây!
2.Em về thưa với mẹ cha
Mua gỗ sông Bứa làm nhà sông Thao
Nước sông Thao biết bao giờ cạn
Núi Ba Vì biết vạn nào cây
Em hiền lấy được anh đây
3.Gương kia nỡ để bụi nhòa
Sông có Nhị Hà núi có Tản Viên
Thề kia sao để lỡ duyên
Trăng còn soi mãi vùng sen Tây Hồ
Cứ tưởng chỉ là đem câu chuyện nhân gian mua vui bên hiên hè, ngờ đâu lại có anh chàng vì yêu say đắm mà nghĩ đến bán cả núi Ba Vì đi. Thế mới thấy tình yêu các cụ xưa vĩ đại đến nhường nào. Thôi thì ngẫm xưa nghĩ nay, ai đó mà duyên tình có lận đận thì cứ hướng về núi Ba Vì, bái vọng cụ tổ cho con có đường tình duyên thuận:
Một rằng mình quyết lấy ta
Ta về bán cửa bán nhà mà đi
Ta về bán núi Ba Vì
Bán chùa Hương Tích, Phật đi làu làu
Ta về bán hết ngựa trâu
Bán hột thầu dầu, bán trứng gà ung
Bán ba mươi sáu Thổ công
Bán ông Hành khiển, vợ chồng Táo quân
Bán từ giờ Ngọ giờ Dần
Giờ Tí giờ Sửu giờ Thân giờ Mùi
Ta về bán cả que cời
Bán tro đun bếp bán trăm khêu đèn
Ta về bán trống bán kèn
Có gì bán hết, lấy tiền cưới em
Xin mượn vài câu nói ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong dân gian hầu vài câu như vậy, hồi sau sẽ tiếp tục chủ đề “rặng Ba Vì” khi cúc Họa Mi đến cùng mùa thu bên thành cổ.
(doaiphuongthucac)