Nếu có dịp đến thăm xã Đường Lâm, miền quê thuộc vùng ngoại thành Hà Nội, còn được gọi là “ấp hai vua”, hay nơi hội tụ những ngôi làng cổ, bên cạnh những nhận diện quen thuộc dựa trên lịch sử, kiến trúc, ẩm thực, tín ngưỡng, tôn giáo… còn có một nhận diện khác về nơi này, đó là vùng đất “văn, võ song toàn”:
* Văn: Đường Lâm là quê hương của nhiều bậc anh tài nổi danh. Tên tuổi và công danh sự nghiệp các vị quan văn, các danh sĩ từ trước đến nay được lưu lại trong hệ thống Văn Chỉ địa phương và Văn Miếu Sơn Tây như: thám hoa Giang Văn Minh, học giả Kiều Oánh Mậu, bộ trưởng Phan Kế Toại, bộ trưởng Hà Kế Tấn…
* Võ: Bố cái đại vương Phùng Hùng có sức mạnh đả hổ, không chỉ cho biết sức mạnh của vua, mà còn là câu chuyện về tinh thần võ học của vùng được các vị tướng tài kiên trung, lẫm liệt đời sau phát huy, tên tuổi lưu trong Võ Chỉ địa phương, và hệ thống đền, miếu trong vùng như: nữ tướng Ả Lan nương, võ tướng Anh Tuấn công…
Dân gian có câu: “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy”, mỗi dịp tết đến xuân về, ngày mùng Ba đến bái vọng Vạn thế sư biểu Khổng Tử, các bậc thầy Văn, thầy Võ, mong cầu đất nước bình yên, dân cư an lành, phù hộ cho các thế hệ sau mở ra thêm những hướng nhận diện mới về con người, vùng đất nơi đây nhằm làm giàu thêm văn hiến xứ Đoài, cũng như nuôi dưỡng thế hệ trẻ bằng những giá trị truyền thống, ngày hôm nay là nối tiếp từ ngày hôm qua, hiểu truyền thống thì hiện tại và tương lai sẽ tốt đẹp hơn.
(Doaiphuongthucac)