Vật chí

Cây Mít

Da cóc mà bọc trứng gà

Bổ ra thơm nức, cả nhà muốn ăn

(Đố vui dân gian)

Trong các thứ quả quê, ai mà ăn mít, ăn dứa thì đến hôm sau vẫn không giấu được mùi hương của quả, chả vậy mà ông bà hay bảo: ăn vụng gì chứ vụng mít thì cấm cãi nhé.

Cây Mít là loại cây lâu năm, sống chủ yếu ở vùng trung du, mùa quả chín rộ trong khoảng tháng 5 đến tháng 7. Nhà nào còn mít trên cây mà hễ thấy cây Thị trong vùng có quả chín, là y như rằng múi mít sẽ bị sượng, không ngon nữa, hạt bên trong có khi đã đua nhau mọc mầm. Thế nên, nhà nhà tranh thủ bán mít trước tháng 7 âm lịch thì mít đúng độ ngon, giá lại cao, chứ sau đấy có đem cho cũng không ai muốn ăn.

Với vị trí thuận lợi, Mít là một trong những loại sản vật quý của khu vực Sơn Tây – Ba Vì. Chẳng vậy mà bắt đầu khoảng 2 năm trở lại đây, vào mùa Mít chín rộ, chính quyền lại tổ chức Hội thi Hoa hậu Mít, bình chọn quả Mít thông qua các tiêu chí như: nguồn gốc, trang trí, chất lượng, mang đến động lực cho các hộ gia đình trồng loài cây đặc sản này, ý nghĩa nhất là người dân tìm và giữ lại những giống bản địa quý hiếm.

Ngoài quả Mít, gỗ Mít được sử dụng làm vật liệu truyền thống phục vụ các công kiến trúc trong vùng như: nhà ở, đình, chùa, đồ nội thất… Lá Mít được sử dụng làm đế đóng Oản xôi – đồ thờ cúng trong chùa vào các ngày lễ, cũng là thức quà lộc mà trẻ con rất thích thú. Ngày nay, gỗ Mít được điêu khắc thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sử dụng kĩ thuật sơn mài làm tôn thêm giá trị lịch sử, văn hóa và câu chuyện địa phương của sản phẩm.

(Điêu khắc sơn mài trên gỗ Mít,
sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát)

Có nhiều người mang cây Mít lên trồng ở vùng cao, cây vẫn sinh trưởng tốt, nhưng lá lại tốt hơn quả, sau vài năm chỉ còn um tùm lá xanh trên cây. Mới thấy, sản vật mang đặc trưng của vùng, nên mỗi vùng mỗi khác, cũng chính là chỉ dẫn địa lí quan trọng cho vùng trong câu chuyện định vị quốc gia hiện nay.

(Doaiphuongthucac)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *