Nghe âm nhặt chữ

Thanh âm #1

Hồi đại học, cứ được hỏi quê ở đâu, đáp rằng Sơn Tây, là bạn hỏi lại cười và đùa: “Bạn quê ở Ba Vì có con bò vàng đấy nhỉ”, thường là không cần phân minh nhiều, vì họ không biết/bị nghe lại mà vui đùa vậy, tuy nhiên, trong câu đùa cũng có ý thật, do không dám hỏi thẳng mà đùa thôi. Ở đây có hai vấn đề không đánh đồng vào nhau:

  • Thứ nhất: người sống trong thị xã Sơn Tây nói giọng Hà Nội chuẩn,
  • Thứ hai: từ trung tâm là thị xã Sơn Tây tỏa đi các hướng, tiếng nói của cư dân có nhiều khác biệt, thậm chí ngay tại các vùng giáp ranh thị xã.
Hoa Ngũ Sắc mọc tại khu vực chân núi Ba Vì

Trong một nghiên cứu của thầy thuốc Đông y Lê Văn Sửu, ông chỉ ra đây là do tập quán sai lệch thanh, nguyên nhân do điều kiện địa dư, khí hậu, hoàn cảnh sống, thói quen tạo nên. Ông phân tích rằng, vùng đồi núi Sơn Tây (cũ) có khoảng cách dao động nhiệt độ ngày và đêm lớn, đất đai khô cằn, sản vật không phong phú, nương đồi xa xóm làng, do vậy tập quán phát âm ở đây là dáng đầu cổ ngửa lên, thanh trầm chuyển lên từ trung bình đến cao nhất, giống cách phát âm của người Mường khi nói tiếng phổ thông. Ví dụ, người Mường hát “Eèng ơi, éeng ở lái nha”, tiếng phổ thông là “Em ơi, em ở lại nhà”. Cùng với người Dao, người Mường phân bố ở khu vực Ba Vì có quá trình định cư từ lâu đời, không tránh khỏi những ảnh hưởng giữa các cộng đồng cư dân cùng sinh sống trong vùng.

Tuy nhiên, trong thực tế, khi nghe người dân khu vực Ba Vì nói chuyện lại cảm thấy thanh Huyền bị ẩn đi, như “bò vàng” lại thành “bo vang”, và cũng cần lưu ý rằng, ngay trong vùng Ba Vì cũng có những cộng đồng cư dân có tiếng nói chuẩn, như khu vực Vân Hòa là nơi tập trung của các gia đình cán bộ, công chức làm việc trong nông trường bò sữa. Họ đến từ các địa phương khác nhau, miền Trung, miền Nam đều có, con cháu họ khi nói không bị nhầm thanh lệch âm.

Để tìm hiểu về ngôn ngữ địa phương, nhất định phải tìm hiểu cẩn thận, sử dụng các tư liệu khác nhau để có nhiều cơ sở đi đến nhận định chung. Bài viết này chỉ mang tính đề cập vấn đề, từ đó nhằm là rõ lại cách hiểu nhầm lẫn từ trước đến nay của nhiều người khi nói về tiếng nói vùng Sơn Tây – Ba Vì.

(Doaiphuongthucac)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *