Hàng năm, cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, chợ Đường Lâm lại đông đúc hơn bởi những xe chở chất đầy những cành cây Thành Ngạnh (cây Ngọn Đỏ) đương tươi roi rói vì vừa được thu hái vào buổi sáng sớm. Mặt hàng này chỉ bán trong một ngày duy nhất nên nếu ai có ý định vào trong chợ mua thức ăn trước rồi quay ra, thì có khi không mua được bó Thành Ngạnh nào.
Trong các tài liệu ghi rằng, loài này có phạm vi phân bố chủ yếu ở phía bắc Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ … Bộ phận dùng làm thuốc thường là lá, vỏ và rễ ít phổ biến hơn. Cây cho thu hoạch quanh năm, nhưng chủ yếu bán cho các nhà thuốc Đông Y, người dân hầu như chỉ biết đến vào ngày Đoan Ngọ hàng năm khi dược liệu này được đem xuống chợ dân sinh bán.
Công dụng trong Đông y là thanh nhiệt, giải độc, chủ trị nóng trong người, tăng huyết áp… Tây y chứng minh loại cây này còn có tác dụng chống oxy hóa hơn cả chè xanh, dịch chiết từ cây có thể chống đông máu, tăng cường tuần hoàn máu não. Nghiên cứu từ Trung Quốc, Thái Lan bổ sung thêm công năng bảo vệ mạch máu khỏi những tác động bất thường.
Cũng vì chỉ xuất hiện một ngày duy nhất, nên nhiều người mua không biết cách xử lý ra sao. Những người bán hàng sẽ rất nhiệt tình hướng dẫn: cây này mang về, chặt nhỏ rồi cho vào túi, buộc kín 2-3 ngày cho lên men, sau bỏ ra phơi rồi uống như trà, rất bổ máu, một số tài liệu hướng dẫn có thể dùng tươi hoặc sấy khô, nhưng nguồn tri thức dân gian lại khuyên nên để cho lên men rồi mới phơi sấy.
——————–
Trong các ngày truyền thống, có ngày Thầy thuốc mà không có ngày Cây thuốc thì thực là áy náy. Trong dân gian, Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày Tết Đoan Ngọ, được ghi nhận là thời gian dược tính của dược liệu mạnh nhất, cũng là ngày thu hái tốt nhất các loại thuốc trong tự nhiên. Do vậy, bên cạnh cái tên truyền thống Ngày Tết Đoan Ngọ, thì nên bổ sung công nhận ngày này cũng là Ngày cây thuốc Nam, hay Ngày Dược liệu Nam, cũng hoàn toàn hợp lý.
(Doaiphuongthucac)