Câu chuyện thường ngày, Giới thiệu, Góc lưu giữ, Hương xưa vị cũ, Vật chí

Sấu đã vào mùa quả

“…Ngập tràn lối đi hoa sấu tháng bảy…”

Hà Nội 12 mùa hoa, giáng son

Không rõ nhạc sĩ Giáng Son viết về hoa Sấu ở đâu đó Hà Nội, chứ ở quê tôi miền trung du xứ Đoài, vùng đất phía tây của thủ đô, tháng Bảy quả đã vào mùa thu hái rồi, mà lạ là, cứ đến mùa Sấu là thấy tấp nập từ đầu đến cuối vụ.

Đầu vụ khi quả còn non, hạt bên trong còn mềm, thể nào cũng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ chọc, bẻ quả non mang vào dầm mắm, tỏi, ớt. Loại quả non này không có bán ở bất kì đâu, chả vậy mà đám trẻ quen miệng theo mùa, thấy quả nhú lên cái là háo hức chờ từng ngày để ráo trước với bà, với mẹ.

Mà quả non cũng chỉ trong vài ngày là to nhanh, lúc đó chỉ có thể đợi quả cứng cáp hẳn mới thu hái. Mùa quả Sấu đúng vào mùa hè nên các món canh như: canh rau Muống, canh thịt băm, canh sườn, canh măng vịt… không thể thiếu quả sấu chua. Riêng món vịt om Sấu tầm này là nhất rồi, vịt có tính hàn, ăn vào giúp cơ thể đỡ oi bức, lại thêm quả Sấu đánh dấm chua vừa giảm độ ngấy của thịt vịt, lại có tác dụng giải cơn khát của cơ thể.

Có món này mà trẻ con, thanh niên, hay người lớn tuổi cũng đều rất thích, đó là Sấu ngâm mắm. Tôi có người bác cứ đến mùa là phải làm cho bằng được, Sấu gọt cẩn thận từng quả bằng tay. Đun hỗn hợp gồm nước mắm, đường, tỏi, ớt, thêm chút nước sôi, để lúc gần nguội thì đổ vào lọ Sấu, nếu để tủ lạnh có khi ăn dần trong cả vài tháng mà không hỏng.

Đến cuối vụ là lúc đi gặp những rổ Sấu chín được mang ra chợ bán, mà người bán lại chủ yếu là các ông, bà, cũng lạ thật, có lẽ cái truyền thống lớp già để dành quả chín cho đám trẻ chăng. Mua được mớ Sấu chín về, ngồi nhìn mẹ cắt vòng quanh từng khoanh, bọn trẻ lại nghịch ngợm cuộn vào như chiếc mũ. Món này thường dầm đường, ăn cả cân cũng không thấy chán.

Thời điểm tháng Bảy này, hễ đi qua các chợ, hay khu phố nào đó, y như rằng bắt gặp cảnh mọi người đang ngồi chà, hoặc gọt vỏ Sấu. Chị tôi bảo, vỏ Sấu gọt tay bao giờ cũng có độ giòn, ngấm và ăn ngon hơn khi cạo vỏ. Đó là cách người Sơn Tây vẫn hay làm từ xưa, mà nay vẫn nhất mực giữ cho bằng được.

Khi quả Sấu được làm cầu kỳ, vừa làm vừa như nói chuyện với chúng, chúng cũng biết trả ơn mà lắng đọng hương vị lại, đến khi ăn mới thấy: thế nào là ăn quả Sấu dầm mắm miền trung du!

(Doaiphuongthucac)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *