Nước giếng Hè, chè Cam Lâm (câu vè địa phương)
Từ đền thờ Phùng Hưng và lăng Ngô Quyền đi về hướng rặng Duối di sản, đền Mẫu Cam Lâm nằm im lìm dưới những tán cây lâu năm bên chân đồi Cấm. Đền là nơi thờ nữ tướng từ thời Hai Bà Trưng, Lê Ả Lan. Theo truyền thuyết kể lại, trước mặt đền Mẫu Cam Lâm xưa kia là vực sâu, vào thời vua Phùng Hưng nơi đây thi hành án phạt với binh lính phạm tội, về sau là nơi chôn cất trẻ sơ sinh. Trong chiến tranh, có một bệnh viện dã chiến sơ tán về đây, khu vực phía trước đền cũng trở thành nơi an táng người mất của bệnh viện.
Nằm giữa khu vực hoang vắng, xa khu dân cư, lại thêm những câu chuyện để lại nên khu vực này khá ít người đến thăm.
Gần đền Mẫu Cam Lâm có giếng Sữa, theo tích xưa, vào thời loan lạc có em bé bị bỏ rơi trong rừng, một bà lão đi ngang qua liền bế cháu bé những mong xin được sữa từ ai đó trong vùng. Nhưng đi mãi mà không thấy bóng người, khi tới chân đồi Cấm, bà thấy mạch nước chảy ra từ trong hàng đá bèn mớm thay sữa, bỗng nhiên, cháu bé ngừng khóc, từ đó bà dựng lều tại đây, về sau người dân lập miếu thờ bà, gọi là Miếu Mẹ ngay bên giếng nước. Tương truyền rằng, người mẹ nào bị mất sữa thì đến xin nước giếng ở đây, uống nước giếng xong sữa sẽ về. Trước khi vào xin nước giếng Sữa, những người đến đây sẽ vào làm thủ tục xin phép ở đền Mẫu, và Miếu Mẹ thì nước giếng uống vào mới linh nghiệm.
(Doaiphuongthucac)